Đóng menu x

Đánh giá sức khỏe nghề nghiệp là gì ?

Đánh giá sức khỏe nghề nghiệp

Đánh giá sức khỏe nghề nghiệp là gì ?

Hỏi: Quý Trung tâm có thể cho biết “đánh giá sức khỏe nghề nghiệp” là gì không ?

Trung tâm ứng phó sự cố môi trường xin trả lời như sau:

Đánh giá nguy cơ sức khỏe môi trường nghề nghiệp hay còn gọi là đánh giá sức khỏe nghề nghiệp trong môi trường lao động (Environmental health risk assessment)  là một quy trình đánh giá nguy cơ một cách có hệ thống những ảnh hưởng sức khoẻ do phơi nhiễm với các yếu tố:

  • nguy cơ hóa học,
  • sinh học,
  • vật lý, hay
  • tâm lý xã hội.

ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG NGHỀ NGHIỆP 

Đánh giá nguy cơ được tiến hành nhằm đánh giá những ảnh hưởng sức khoẻ do phơi nhiễm với một yếu tố nguy cơ xác định để từ đó đề xuất các giải pháp quản lý nguy cơ (American Chemical Society 1998). Đánh giá nguy cơ sức khỏe môi trường được định nghĩa như là “Một quy trình có tổ chức nhằm mô tả và ước lượng khả năng của việc phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường sẽ để lại hậu quả xấu cho sức khỏe.

Quy trình này bao gồm 4 bước chính, đó là:

  • xác định yếu tố nguy cơ,
  • đánh giá mối quan hệ liều-đáp ứng,
  • đánh giá phơi nhiễm và
  • mô tả nguy cơ”

Định nghĩa gần đây nhất về đánh giá nguy cơ sức khỏe môi trường là: “Một quy trình và phương pháp nhằm ước lượng những tác động tiềm tàng của việc phơi nhiễm với một yếu tố nguy cơ hóa học, vật lý, sinh học, hay tâm lý xã hội lên một cộng đồng cụ thể dưới một số điều kiện và trong một khoảng thời gian xác định” (enHealth Council 2004). Vai trò của đánh giá nguy cơ là nhằm “cung cấp đầy đủ thông tin đến những nhà làm luật, hoạch định chính sách, các nhà quản lý nguy cơ để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất có thể” (Paustenbach, 1989). Quy trình đánh giá nguy cơ sức khỏe môi trường do enHealth Council (2004) đề xuất bao gồm những bước tương tự như đề xuất của Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ về Quản lý và Đánh giá nguy cơ (1997) và NRC (1983), bao gồm:
xác định vấn đề, đánh giá yếu tố nguy cơ (gồm hai bước: xác định yếu tố nguy cơ và đánh giá mối quan hệ liều-đáp ứng), đánh giá phơi nhiễm, mô tả nguy cơ, sự tham gia của các bên liên quan và truyền thông nguy cơ.

Nguy cơ = Xác suất x Hậu quả x Yếu tố nguy cơ x Phơi nhiễm
Cán bộ thực hiện công tác đánh giá và quản lý nguy cơ cần hiểu rõ các yếu tố quyết định nguy cơ được nêu ở công thức trên. Lưu ý đây không phải là công thức toán học. Nguy cơ không phải là tích số của các yếu tố này. “Công thức” này chỉ nhằm mục đích mô tả các yếu tố quyết định nguy cơ. Nếu từng yếu tố tăng lên thì nguy cơ sẽ tăng lên.

  • Xác suất (Probability) là một yếu tố mang tính thống kê nhằm mô tả khả năng một sự kiện nào đó sẽ xảy ra, ví dụ: “Nguy cơ mắc bệnh ung thư do phơi nhiễm nghề nghiệp với chất hóa học X ở nồng độ Y là một phần triệu”, “Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do khuẩn Salmonella có trong nem chua nếu ăn 100 g nem chua mỗi tuần là Z”. Xác suất “Z” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng khuẩn Salmonella có trong thịt, mức độ nhạy cảm của từng cá nhân, lượng nem chua đã ăn, nem chua được ăn ngay hay rán lên rồi mới ăn…
  • Hậu quả (Consequence) là mức độ tác động xấu tới sức khỏe do việc tiếp xúc với yếu tố hay chất ô nhiễm môi trường và có tác động rất lớn đến nhận thức nguy cơ của người dân, ví dụ, “khả năng (xác suất) một tai nạn xảy ra tại một nhà máy điện nguyên tử là rất thấp, nhưng nó vẫn tiềm ẩn một nguy cơ do có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc nếu điều đó xảy ra” hay “khả năng bị tử vong do amip ăn não người ở Việt Nam là thấp, tuy nhiên mọi người vẫn lo sợ khi nghe một vài trường hợp tử vong được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. Vì vậy, với nhiều nguy cơ, mặc dù xác suất là khá thấp nhưng hậu quả lại khá nghiêm trọng và mọi người vẫn nhận thức chúng tiềm ẩn những nguy cơ cao. Do vậy, “hậu quả” là một yếu tố quan trọng tạo nên nguy cơ. Hậu quả có thể có nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ từ không đáng kể, nhỏ, không nghiêm trọng, nghiêm trọng cho đến thảm khốc.
  • Yếu tố nguy cơ (Hazard) là một chất, một vi sinh vật, một yếu tố… có khả năng gây ra tác động tiêu cực lên sức khỏe nếu có sự tiếp xúc. Ví dụ, “loài vi rút này là một yếu tố nguy cơ vì có thể gây bệnh sốt xuất huyết Dengue ở người; hay phẩy khuẩn tả là một yếu tố nguy cơ vì có thể gây ra dịch tả ở người; dioxit Silic (SiO2 ) hoặc Silic tự do dạng tinh thể là yếu tố nguy cơ vì có khả năng làm hình thành các hạt xơ ở phổi, gây tổn thương ở mô kẽ, gây xơ hóa lan tỏa ở phổi và dẫn đến bệnh bụi phổi Silic ở công nhân do tiếp xúc nghề nghiệp v.v.”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không phơi nhiễm với một tác nhân nào đó, thì cho dù yếu tố nguy cơ này có thể tạo ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn nhưng nguy cơ hiện hữu là tối thiểu. Ví dụ, một người sẽ không mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue nếu không bị muỗi Aedes nhiễm vi rút Dengue đốt, không bị bệnh bụi phổi Silic nếu không hít phải bụi chứa dioxit Silic hay Silic tự do dạng tinh thể.

Mong rằng sự tư vấn của bộ phận tư vấn an toàn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của mình. Vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 0340 để nhận được ý kiến tư vấn chính xác nhất.

Nếu quý vị cần thêm thông tin thì vui lòng liên hệ Trung tâm ứng phó sự cố môi trường ESE

Address: 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3, TP. HCM

Hotline: 1900 0340   |  Tel: 0903 063 599 (Ms Vân) – 0938 040 020 (Ms Linh)

Email: trungtam@ungphosuco.vn

Các khóa học cấp chứng chỉ và tập huấn an toàn lao động

 

Chưa có dữ liệu!

Bình luận

Tel: 090306 3599