Các công trình xử lý bùn cặn nước thải y tế
Các công trình xử lý bùn cặn nước thải y tế- Tài liệu đào tạo liên tục quản lý chất thải y tế cho cán bộ chuyên trách:
Nguyên lý chung của các quá trình xử lý nước thải y tế- Xử lý nước thải y tế
Các công trình xử lý bùn cặn nước thải y tế
1) Các công trình làm khô bùn cặn
Làm khô là quá trình làm tăng nồng độ cặn bằng cách loại bỏ một phần nước ra khỏi hỗn hợp, làm giảm khối lượng bùn cặn phải vận chuyển và giảm thể tích các công trình xử lý tiếp theo. Nồng độ bùn cặn đã nén có thể đạt 2-5% tuỳ theo dạng công trình nén và tính chất của loại bùn. Quá trình này làm khô cặn từ quá trình cô đặc và ổn định cặn đến độ ẩm 50-85% với mục đích:
– Giảm khối lượng bùn cặn đưa đến nơi tiếp nhận.
– Thích hợp để chôn lấp hoặc cho mục đích cải tạo đất.
– Làm giảm lượng nước có thể ngấm vào trong môi trường xung quanh bãi thải.
– Giảm khả năng phát tán mùi và độc tính.
a) Sân phơi bùn
Biện pháp khử nước cho bùn cặn nước thải được áp dụng rộng rãi hơn cả là phơi tự nhiên. Sân phơi bùn là một khu đất xốp có mặt bằng hình chữ nhật dễ thấm nước, xung quanh xây bờ chắn.
Cặn từ bể lắng đợt 1, bùn hoạt tính dư từ bể lắng đợt 2 hay cặn đã lên men từ bể lắng 2 vỏ, bể tự hoại,… đưa tới sân phơi từng đợt rải thành lớp mỏng.
Bằng cách phơi tự nhiên cặn khô có thể đạt độ ẩm 75-80%. Tuy nhiên sân phơi bùn chiếm diện tích lớn, khó kiểm soát được mùi. Các vi sinh vật gây bệnh trong bùn cặn có thể khuếch tán ra môi trường xung quanh. Nếu sân không có mái che thì hiệu quả hoạt động thấp về mùa mưa.
Khi nước ngầm sâu hơn 1.5m và đất có khả năng thấm tốt thì có thể xây trên nền đất tự nhiên, nếu không phải làm nền nhân tạo và hệ thống thu nước.
b) Các thiết bị cơ khí
Để giảm bớt diện tích đất xây dựng cũng như khắc phục hạn chế của sân phơi bùn, có thể ứng dụng phương pháp làm khô cơ học bằng quay li tâm hay ép lọc băng tải.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị ly tâm là tách nước bằng lực ly tâm. Bộ phận cơ bản là rôto hình côn và ống ruột rỗng, hai bộ phận này quay cùng chiều với tốc độ khác nhau. Dưới tác động của lực ly tâm phần rắn của cặn va đập vào thành tường rôto và được dồn ra khe hở đổ ra thùng bên ngoài, còn nước tách ra chảy về khe đối diện. Các thông số thiết kế: lưu lượng cấp vào q, đặc tính và nồng độ cặn P, nhiệt độ, vận tốc quay của thùng ly tâm và vận tốc quay ngược chiều của trục vít dồn cặn. Ống dẫn và rút bùn từ các công trình có đường kính 200mm
Thiết bị ly tâm có vốn đầu tư không cao, chi phí quản lý thấp. Hệ thống kín không có mùi, chiếm ít diện tích xây dựng. Tuy nhiên nhược điểm chính là chất lượng bùn khô ảnh hưởng rất nhiều bởi đặc tính cặn ban đầu, biên độ dao động của độ ẩm cặn lớn (60-85%).
Nguyên lý hoạt động của máy ép lọc băng tải là bùn đã keo tụ được dải rộng theo chiều ngang băng tải và chạy đến thanh gạt để san bằng và đều lớp bùn cặn, trong giai đoạn này nước được tách khỏi bùn nhờ trọng lực qua khe hở ở băng tải xuống ngăn thu nước ở dưới. Tiếp đó bùn cặn chạy trên băng tải qua các trục ép với lực ép tăng dần, ở giai đoạn này nước được tách chủ yếu nhờ lực ép của các trục và chảy xuống ngăn thu.
Kết quả là bùn cặn ép ở cuối băng tải đã giảm độ ẩm xuống 65-85% – Hệ thống bắt đầu từ máy bơm bùn (bơm tiếp bùn) hút bùn đã nén ở bể nén bùn (nếu cần thì phải thêm công đoạn ổn định bùn cặn) đưa vào thùng đông tụ và định lượng cặn. Ở đây bùn với độ ẩm 97-98% được trộn với chất phụ trợ keo tụ có hoạt tính cao (polyme).
Mục đích của quá trình này là để hình thành nhanh chóng các bông cặn cỡ lớn có khả năng giữ lại qua khe hở của băng lọc.
Hiệu suất làm khô cặn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: đặc tính bùn cặn (nồng độ, tính ổn định-khả năng tách nước), hoá chất keo tụ, độ rỗng của băng lọc (phải phù hợp với bông cặn đã được keo tụ), tốc dộ di chuyển và lực nén. Sau thời gian vận hành, bùn cặn sẽ bám trên băng tải làm giảm hiệu suất hoạt động lúc đó cần phải phục hồi bằng cách rửa bằng nước và khí nén.
Chất lượng bùn cặn sau khi làm khô ổn định, độ ẩm đạt 65-85%, cặn hầu như không có mùi. Vận hành, quản lý tương đối đơn giản.
2) Các công trình ổn định bùn cặn
Ổn định bùn cặn nhằm mục đích: phân huỷ giảm khối lượng cặn, giảm tác nhân gây bệnh, giảm mùi hôi thối hoặc ngăn ngừa khả năng thối rữa và làm cho bùn cặn thành dạng dễ dàng tách nước.
a) Ổn định yếm khí bùn cặn
Ổn định bùn cặn yếm khí đặc trưng bằng sự phân huỷ kị khí các chất hữu cơ trong bể kín. Quá trình diễn này ra rất phức tạp có thể phân ra làm hai giai đoạn:
– Giai đoạn thứ nhất đặc trưng cho sự hình thành số lượng lớn axit, dấm, chất béo, hydro ngoài ra còn có: axit cacbonic, rượu, cồn, axit amin, axit sunfuahydric, amoniac. Độ pH giảm xuống <7 nên gọi giai đoạn này là lên men axit – phân huỷ axit, khối lượng bùn cặn phân huỷ ít và có mùi hôi.
Giai đoạn này diễn ra nhờ sự hoạt động của các vi khuẩn kị khí như: vi khuẩn dấm, butalic, proiric;
– Giai đoạn thứ hai đặc trưng bởi sự phá vỡ thành phần của các chất hình thành từ giai đoạn thứ nhất và tạo ra khí chủ yếu là metan (CH4), CO2, H2… Độ pH tăng lên 7-8 vì vậy giai đoạn này gọi là lên men kiềm hay phân huỷ kiềm. Giai đoạn này diễn ra nhờ hoạt động của các vi khuẩn metan: Methannonbactrium, Methannooceus, Methannosaruna.
Với các trạm xử lý nước thải công suất vừa và nhỏ thường áp dụng kết hợp với ổn định cặn yếm trong một công trình như: bể tự hoại, bể lắng 2 vỏ, bể lắng trong kết hợp lên men cặn.
b) Ổn định bùn cặn bằng hóa chất
Bùn cặn cũng có thể ổn định bằng Clo. Dùng sản phẩm chứa Clo như Hyoclorit canxi – Ca(OCl)2 hay Clo hơi cho vào dung dịch cặn đã cô đặc để khử mùi, ôxi hoá các chất hữu cơ, ngăn cản quá trình thối giữa và diệt trùng. Sau khi trộn cặn với Clo, bắt đầu diễn ra quá trình ôxi hoá các chất hữu cơ và pH của cặn giảm xuống 2,5 – 4,5 làm cho các vi sinh vật không sống được và ngăn cản quá trình thối rữa (phân huỷ) của bùn cặn, sau 2 giờ pH lượng Clo dư trong cặn giảm đi pH tăng lên 5,5-6,0.
Ổn định bằng phương pháp này không làm giảm khối lượng cặn, cặn có mùi Clo. Tốn nhiều Clo và tạo ra nhiều sản phẩm phụ của Clo với Hydro Cacbon có thể gây hại nên chỉ áp dụng trong những trạm xử lý có công suất nhỏ (<100m3/ngđ).
Ổn định bùn cặn có thể bằng vôi. Vôi cho vào cặn với số lượng đủ để nâng pH của hỗn hợp cặn lên trên 12. Ở môi trường này vi khuẩn không sống được do đó cặn không bị phân huỷ, không có mùi, không gây độc hại. Vôi đưa vào là vôi bột chưa tôi là tốt nhất vì giảm được thể tích nước, tăng nhiệt độ lên 55oC tăng cường quá trình ổn định. Lượng vôi xác định theo thực nghiệm và kinh nghiệm quản lý.
Mong rằng sự tư vấn của bộ phận tư vấn an toàn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của mình. Vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 0340 để nhận được ý kiến tư vấn chính xác nhất.
–
Nếu quý vị cần thêm thông tin thì vui lòng liên hệ Trung tâm ứng phó sự cố an toàn môi trường
Hotline: 1900 0340 | Tel: 0903 063 599 (Ms Vân)
Email: trungtam@ungphosuco.vn
Bình luận