Đóng menu x

Bảo vệ môi trường nước mặt được quy định như thế nào? Có kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt không? Nếu có thì nội dung ra sao?

Bảo vệ môi trường nước mặt được quy định như thế nào? Có kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt không? Nếu có thì nội dung ra sao?

Môi trường nước mặt được bảo vệ như thế nào theo quy định?

Căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt như sau:

– Chất lượng nước, trầm tích và môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá; khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố.

– Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.

– Bảo vệ môi trường nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Như vậy, môi trường nước mặt được bảo vệ theo quy định chung tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Nhà nước có lên kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt không?

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt thì kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Và theo điểm a khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trách nhiệm ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:

“Điều 8. Hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; xác định khu vực sinh thủy.”

Nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được quy định ra sao?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt như sau:

– Về đánh giá chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy:

+ Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất;

+ Tổng hợp hiện trạng các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn sinh thủy đã được xác định theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

– Về loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt:

+ Kết quả tổng hợp, đánh giá tổng tải lượng của từng chất ô nhiễm được lựa chọn để đánh giá khả năng chịu tải đối với môi trường nước mặt từ các nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm diện đã được điều tra, đánh giá theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường;

+ Dự báo tình hình phát sinh tải lượng ô nhiễm từ các nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm diện trong thời kỳ của kế hoạch.

– Về đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải:

+ Tổng hợp kết quả đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trên cơ sở các kết quả đã có trong vòng tối đa 03 năm gần nhất và kết quả điều tra, đánh giá bổ sung; xác định lộ trình đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trong giai đoạn thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

+ Phân vùng xả thải theo mục đích bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt và phân vùng môi trường (nếu có);

+ Xác định hạn ngạch xả nước thải đối với từng đoạn sông, hồ trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt và việc phân vùng xả thải.

– Dự báo xu hướng diễn biến chất lượng môi trường nước mặt trên cơ sở các nội dung sau:

+ Dự báo tình hình phát sinh tải lượng ô nhiễm từ các nguồn ô nhiễm điểm, ô nhiễm diện trong giai đoạn 05 năm tiếp theo;

+ Kết quả thực hiện các nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

– Về các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch:

+ Mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nước mặt cần đạt được cho giai đoạn 05 năm đối với từng đoạn sông, hồ căn cứ nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; mục tiêu chất lượng nước của sông, hồ nội tỉnh phải phù hợp với mục tiêu chất lượng nước của sông, hồ liên tỉnh;

+ Mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào các đoạn sông, hồ không còn khả năng chịu tải nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng nước, cụ thể: tổng tải lượng ô nhiễm cần giảm đối với từng thông số ô nhiễm mà môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; phân bổ tải lượng cần giảm theo nhóm nguồn ô nhiễm và lộ trình thực hiện.

– Về biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới:

+ Các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường đối với đoạn sông, hồ không còn khả năng chịu tải;

+ Các biện pháp, giải pháp bảo vệ các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn sinh thủy theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

+ Các biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này;

+ Các biện pháp, giải pháp kiểm soát các nguồn xả thải vào môi trường nước mặt;

+ Thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường nước mặt, bao gồm cả chất lượng môi trường nước mặt xuyên biên giới, phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia và nội dung quan trắc môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

+ Các biện pháp, giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin về chất lượng môi trường nước mặt xuyên biên giới;

+ Các biện pháp, giải pháp khác.

– Về giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt:

+ Các giải pháp về khoa học, công nghệ xử lý, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt;

+ Các giải pháp về cơ chế, chính sách;

+ Các giải pháp về tổ chức, huy động sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng;

+ Các giải pháp công trình, phi công trình khác.

– Tổ chức thực hiện:

+ Phân công trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp thực hiện kế hoạch;

+ Cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện;

+ Danh mục các dự án, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch;

+ Cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.

 

TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ AN TOÀN MÔI TRƯỜNG (ESE)
Số 05B Phổ Quang, Phường 02, Quận Tân Bình, TP.HCM
0938497066 – Ms.Tuyết

Chưa có dữ liệu!

Bình luận

Tel: 090306 3599