Xây dựng kế hoạch và diễn tập ứng phó sự cố chất thải
Xây dựng kế hoạch và diễn tập ứng phó sự cố chất thải
1. Trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải
a) Cơ sở thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường phải lập kế hoạch ứng phó sự cố chất thải, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có thể được lồng ghép vào kế hoạch ứng phó sự cố khác.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố chất thải hằng năm và định kỳ 05 năm. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại điểm này có thể được lồng ghép, tích hợp với các kế hoạch phòng thủ dân sự hoặc kế hoạch ứng phó sự cố khác tại địa phương.
c) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ có liên quan tổ chức xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này.
2. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải được lập cho giai đoạn chuẩn bị ứng phó sự cố và tổ chức ứng phó sự cố. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phải có các kịch bản ứng phó sự cố để có phương án ứng phó tương ứng.
3. Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết nội dung Kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố chất thải.
4. Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành và phải được thông báo công khai đến cộng đồng dân cư.
5. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải
a) Diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quy chế này được thực hiện ít nhất 02 năm một lần;
b) Diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế này được thực hiện theo Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải đã phê duyệt;
c) Diễn tập ứng phó sự cố phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra;
d) Cơ quan, cơ sở xây dựng, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có trách nhiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố quy định tại điểm a, b, c khoản này.
Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành kèm theo Quy chế ứng phó sự cố chất thải. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2020.
Quy chế này quy định ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế tài chính và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy chế này không điều chỉnh sự cố chất thải do thiên tai và sự cố chất thải xảy ra trên biển. Việc ứng phó sự cố chất thải do thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai. Việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên biển được thực hiện theo quy định pháp luật về ứng phó sự cố hóa chất độc, ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
Quy chế này quy định ứng phó sự cố chất thải bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế tài chính và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bình luận