QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI HÀNG NGUY HIỂM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
I. Thực trạng về vận tải hàng nguy hiểm hiện nay.
Trong những năm gần đây, vận tải hàng hóa nguy hiểm đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp vận tải ngày càng tạo được uy tín cho các đối tác có nhu cầu về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Vận tải hàng nguy hiểm là một công việc mang nhiều rủi ro. Chính vì vậy, vận tải hàng hóa nguy hiểm nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan thẩm quyền và có chức năng. Vì vậy việc vận tải các mặt hàng này cần tuân thủ theo các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về nhiều mặt bao gồm: phương tiện, giấy phép, quy định, ký hiệu, cách đói gói, biện pháp phòng cháy chữa cháy,… để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển cho cả người vận chuyển, người sở hữu sản phẩm, người dân đi đường.
II. Khái niệm vận tải hàng nguy hiểm
1. Hàng nguy hiểm là gì? Có bao nhiêu nhóm hàng hóa nguy hiểm?
Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Khi vận tải hàng nguy hiểm bằng đường biển, đường hàng không hay đường bộ đều phải chấp hành những quy định chung của Việt Nam cũng như quốc tế. Không phải chỉ những loại hóa chất hay vật liệu cháy nổ là hàng nguy hiểm mà thực tế danh mục hàng nguy hiểm có rất nhiều loại, từ chất lỏng, chất khí, vật liệu,…
Căn cứ Khoản 3, Điều 78, Luật giao thông đường bộ năm 2008 Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm:
– Danh mục hàng hóa nguy hiểm được phân theo loại, nhóm kèm theo mã số Liên hợp quốc và số hiệu nguy hiểm quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 42/2020/NĐ-CP Quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 42/2020/NĐ-CP tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hóa nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm là:
Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.
Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.
Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.
Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.
Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.
Nhóm 1.5: Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.
Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
Loại 2. Khí.
Nhóm 2.1: Khí dễ cháy.
Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại.
Nhóm 2.3: Khí độc hại.
Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
Loại 4.
Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.
Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.
Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
Loại 5.
Nhóm 5.1: Chất oxi hóa.
Nhóm 5.2: Peroxit hữu cơ.
Loại 6.
Nhóm 6.1: Chất độc.
Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
Loại 7: Chất phóng xạ.
Loại 8: Chất ăn mòn.
Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
2. Vận tải hàng nguy hiểm là gì?
Vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Để vận tải hàng nguy hiểm thì phương tiện phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp và các điều kiện đi kèm khác theo quy định của pháp luật.
III. Quy định pháp luật đối với vận tải hàng nguy hiểm
1. Nếu vận tải hàng nguy hiểm không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trường hợp vận tải hàng nguy hiểm nhưng không đáp ứng điều kiện thì xử phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư, công trình quan trọng; không có báo hiệu hàng nguy hiểm theo quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
- Vận chuyển các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi VC hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều 23 Nghị định này;
- Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu gây ô nhiễm môi trường còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
- Mức phạt này áp dụng với cá nhân vận tải hàng nguy hiểm không đáp ứng đủ điều kiện.
2. Những điều cần lưu ý để tránh vi phạm quy định pháp luật đối với vận tải hàng nguy hiểm
Để tránh vi phạm quy định pháp luật đối với vận tải hàng nguy hiểm thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Trước hết, phương tiện vận tải phải đủ điều kiện tham gia giao thông. Bản thân phương tiện phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về tính an toàn, hiệu suất trong vận hành và có đầy đủ giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Không sử dụng xe móc kéo để vận tải hàng hóa nguy hiểm. Phương tiện phải được trang bị các thiết bị chuyên dụng trong vận tải hàng nguy hiểm. Xe vận chuyển có khoang, bạt phủ kín, che chắn kín khoang chở hàng để hạn chế tối đa tác động từ môi trường trong quá trình vận chuyển. Phương tiện cần được trang bị thêm các thiết bị đảm bảo an toàn như dụng cụ phòng cháy, chữa cháy thông dụng và loại phù hợp với đặc tính của hàng hóa vận chuyển. Lưu ý:
Không được vận chuyển hai chất có phản ứng với nhau trên cùng phương tiện
Không được kết hợp vận chuyển hành khách, hàng hóa thông thường chung với nhóm hàng nguy hiểm
Cuối cùng, phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải có dán hoặc sơn các ký hiệu biểu trưng giúp những người điều khiển phương tiện khác có thể dễ dàng nhận diện. Ký hiệu này sẽ được dán ở hai bên và phía sau phương tiện, có màu sắc, kiểu dáng, kích thước theo quy định đã được thống nhất chung. Khi không thực hiện việc vận tải các loại hàng hóa nguy hiểm, độc hại thì các phương tiện cần tháo, xóa biểu tượng hàng hóa nguy hiểm trên xe.
IV. Điều kiện để vận tải hàng nguy hiểm hợp pháp
Để vận tải hàng nguy hiểm một cách hợp pháp thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trừ các trường hợp pháp luật không quy định.
- Đáp ứng điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định 42/2020/NĐ-CP.
- Đáp ứng điều kiện chung đối với các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm.
- Đáp điều kiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông trên đường thủy nội địa khi vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 9, Điều 13 Nghị định 42/2020/NĐ-CP.
- Đáp ứng điều kiện đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển và người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 8, Điều 12 Nghị định 42/2020/NĐ-CP.
******
TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ AN TOÀN MÔI TRƯỜNG – ESE
Số 05B Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
0903 010 140 (Ms.Phụng) – doanphung@ungphosuco.vn
Bình luận