Hướng dẫn phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như thế nào ?
Theo sổ tay hướng dẫn phòng chống lụt bão, hướng dẫn phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm những thông tin sau:
I. ĐẶC ĐIỂM LŨ
Lũ chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều kết hợp với khả năng điều tiết của Biển Hồ. Lũ diễn biến chậm, kéo dài trong suốt khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng trong năm, làm ngập hầu hết toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
II. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG
Phương châm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là chủ động “Sống chung với lũ” đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.
Giải pháp chủ đạo tập trung vào hướng kiểm soát lũ, chủ động khai thác lợi thế của lũ, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng và các điều kiện tự nhiên trong vùng.
Giải pháp cụ thể về kiểm soát lũ và kiểm soát mặn bao gồm: xây dựng cụm tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng vượt lũ, tăng cường khả năng thoát lũ của hệ thống kênh rạch, thực hiện các chương trình xây dựng đê biển, đê cửa sông, đê bao, bờ bao, các hồ điều hòa, các công trình ngăn mặn giữ ngọt.
Chủ động khai thác mặt lợi của lũ, nghiên cứu đầu tư sử dụng tài nguyên môi trường nước nổi, tận dụng phù sa, thau chua, rửa mặn, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, giao thông thủy, du lịch sinh thái, các hoạt động văn hóa thể thao đặc thù cho mùa nước nổi và vùng thường xuyên ngập.
Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong lưu vực sông Mêkông nhằm kiểm soát lũ, khai thác hợp lý tài nguyên nước.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó với thiên tai của mỗi người dân và cộng đồng. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng nhân dân địa phương. Hoàn thiện các chính sách, chế độ khuyến khích người dân tham gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai bão, lũ, hạn hán, dông, lốc.
III. HƯỚNG DẪN PHÒNG TRÁNH
1.Đối với chính quyền các cấp
– Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức giáo dục cộng đồng phòng tránh lũ, lụt và giảm nhẹ thiên tai.
– Chỉ đạo đài phát thanh và truyền hình, hệ thống truyền thanh địa phương đưa tin kịp thời về mưa, lũ, lụt và công tác chỉ đạo.
– Chỉ đạo và tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ và tình hình công trình; bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực để xử lý các tình huống.
– Chỉ đạo việc thực hiện công tác tu bổ bờ bao chống lũ sớm; kiểm tra việc đảm bao an toàn cho các công trình kiểm soát lũ trong vùng.
– Kiểm tra an toàn các cụm tuyến dân cư, vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở, cơ sở trông giữ trẻ và bảo đảm an toàn cho học sinh trên đường đến trường.
– Chỉ đạo việc dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng bị ngập sâu.
– Chỉ đạo việc thu hoạch lúa mùa sớm, các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.
– Cử cán bộ xuống các cụm chống lụt, đặc biệt là các vùng trọng điểm để chỉ đạo việc đối phó với lũ, lụt.
– Giữ thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời, thường xuyên về diễn biến lũ, lụt và các sự cố công trình đến các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo.
– Sẵn sàng nguồn lực để hỗ trợ các địa bàn lân cận khi có yêu cầu.
– Tổ chức thực hiện phương án đối phó với lũ, lụt theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.
– Chỉ đạo thực hiện các phương án sơ tán dân, phương án xử lí đảm bảo an toàn các trọng điểm phòng chống lũ, lụt.
– Chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố do lũ lụt gây ra
– Cho học sinh trong vùng ngập lũ nghỉ học khi cần thiết.
– Dừng các cuộc họp để tập trung cho công tác đối phó với lũ lụt khi cần thiết.
– Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán dân khi cần.
– Chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.Chỉ đạo khai thác nguồn lợi từ lũ đảm bảo sinh kế trong vùng ngập lũ.
– Đánh giá thiệt hại, tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, do lũ lụt gây ra.
– Tổ chức cứu trợ cho các cá nhân và gia đình bị thiệt hại do lũ gây ra.
– Tổng hợp, báo cáo đến cơ quan cấp trên về diễn biến mưa, lũ, lụt, tình hình thiệt hại và kết quả triển khai đối phó, khắc phục hậu quả.
2. Đối với cộng đồng
– Theo dõi thông tin mưa, lũ, lụt và sự chỉ đạo của chính quyền qua đài phát thanh, truyền hình và hệ thống truyền thanh xã, phường.
– Chủ động thu hoạch lúa mùa sớm, các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.
– Tham gia tuyên truyền công tác giáo dục cộng đồng về phòng tránh lũ lụt.
– Dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
– Chủ động sơ tán ở vùng bị ngập sâu và chấp hành chỉ đạo sơ tán của chính quyền địa phương.
– Tham gia và sẵn sàng thực hiện việc huy động nhân lực và phương tiện của chính quyền địa phương cho công tác phòng tránh và cứu hộ, cứu nạn.
– Chủ động cho con em nghỉ học trong trường hợp lũ, lụt lớn, không an toàn. Tham gia bảo vệ trẻ em, học sinh đi học và sinh họat trong mùa lũ.
– Chủ động tham gia công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh do mưa lũ gây ra.
– Tham gia cứu trợ theo truyền thống “Lá lành đùm lá rách”.
Mong rằng sự tư vấn của bộ phận tư vấn an toàn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của mình. Vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 0340 để nhận được ý kiến tư vấn chính xác nhất.
–
Nếu quý vị cần thêm thông tin thì vui lòng liên hệ Trung tâm ứng phó sự cố an toàn môi trường
Hotline: 1900 0340 | Tel: 0903 063 599 (Ms Vân)
Email: trungtam@ungphosuco.vn
Bình luận