Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động phát triển công nghiệp
Để tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng thì phát triển công nghiệp là con đường phải đi của tất cả các quốc gia. Đối với nước ta thì phát triển công nghiệp còn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp (cùng với khai thác khoáng sản) đã gây ra các tác động mạnh mẽ đến môi trường, tài nguyên và sức khỏe một cách toàn diện.
Theo số liệu thống kê thì tính đển tháng 10/2014, cả nước có 15 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 209 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 614 cụm công nghiệp đang hoạt động. Xét trên bình diện chung thì sự phát triển này đã đóng góp rất lớn cho kinh tế, xã hội, từng bước cải thiện đời sống bởi tạo ra việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay chính là vấn đề xử lý chất thải tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thực tế thì công tác quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm trong khu vực còn nhiều hạn chế. Do tăng cường các hoạt động sản xuất công nghiệp nhưng lại chưa chú trọng xây dựng hệ thống quản lý, xử lý chất thải một cách phù hợp. Nhiều Khu công nghiệp hiện nay vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom chất thải tập trung và có cách thức xử lý chất thải nguy hại đúng tiêu chuẩn. Điều này gây nên những tác động không nhỏ đối với sức khỏe người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái,…
Để đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động phát triển công nghiệp, gây ra thì trước hết cần cải thiện công tác đánh giá môi trường và đánh giá tác động môi trường. Khi các công tác này đảm bảo tính khoa học, tập trung, khả thi, công khai và có sự tham gia của các bên liên quan thì chắc chắn sẽ từng bước nâng cao nhận thức và lôi kéo sự chung tay góp sức của cả công đồng để từng bước đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Không chỉ có các biện pháp để ngăn ngừa, hạn chế phát sinh chất thải công nghiệp mà về lâu dài, cần hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì bắt buộc phải từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế xanh cũng như áp dụng đồng bộ các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Bình luận