An toàn giàn giáo, giá đỡ và thang trong xây dựng công trường
An toàn giàn giáo, giá đỡ và thang trong xây dựng công trường được quy định trong Quy chuẩn QCVN 18: 2014/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “An toàn trong xây dựng” QCVN 18: 2014/BXD do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số: 14/2014/TT-BXD ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Quy chuẩn QCVN 18: 2014/BXD quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị (sau đây gọi tắt là công trình xây dựng). Các yêu cầu về trang bị an toàn cho người lao động, kiểm định an toàn máy móc trên công trường tuân theo các quy định hiện hành của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Quy chuẩn QCVN 18: 2014/BXD áp dụng cho các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng công trình, an toàn công trình xây dựng.
Yêu cầu chung về giàn giáo, giá đỡ và thang trong an toàn xây dựng công trường
Tất cả các loại giàn giáo, giá đỡ phải được thiết kế, thi công, lắp dựng, nghiệm thu và bảo dưỡng đảm bảo an toàn. Chú ý những chỉ dẫn, quy định, yêu cầu kỹ thuật được ghi hoặc kèm theo chứng chỉ xuất xưởng của nhà sản xuất giàn giáo chuyên dùng.
Không được sử dụng giàn giáo, giá đỡ, thang không đúng chức năng sử dụng của chúng. Không được sử dụng giàn giáo, giá đỡ được lắp kết hợp từ các loại, dạng khác nhau hoặc sử dụng nhiều loại mà không có thiết kế riêng.
Không được chống giáo lên mặt phẳng nghiêng khi không có biện pháp kỹ thuật chống trượt cho thanh chống.
Không được sử dụng giàn giáo, giá đỡ khi:
– Giàn giáo, giá đỡ bằng các vật liệu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn áp dụng;
– Không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật và điều kiện an toàn lao động nêu trong thiết kế hoặc trong chứng chỉ xuất xưởng của chúng; nhất là khi không đầy đủ các móc neo, dây chằng hoặc chúng được neo vào các bộ phận kết cấu kém ổn định như lan can, mái đua, ban công… cũng như vào các vị trí chưa tính toán để chịu được lực neo giữ;
– Có biến dạng, rạn nứt, mòn, gỉ hoặc thiếu các bộ phận;
– Khe hở giữa các sàn công tác và tường nhà hoặc công trình lớn hơn 5 cm khi xây và lớn hơn 20 cm khi hoàn thiện;
– Khỏang cách từ mép biên giới hạn công tác của giàn giáo, giá đỡ tới mép biên liền kề của phương tiện vận tải nhỏ hơn 60 cm;
– Các cột giàn giáo và các khung đỡ đặt trên nền kém ổn định, có khả năng bị trượt, lở hoặc đặt trên những bộ phận hay kết cấu nhà, công trình mà không được xem xét, tính toán đầy đủ để đảm bảo chịu lực ổn định cho chính bộ phận, kết cấu đó và cho cột giàn giáo, khung đỡ.
Không được xếp tải lên giàn giáo, giá đỡ ngoài những vị trí đã quy định (nơi có đặt bảng ghi rõ tải trọng cho phép ở phía trên) hoặc vượt quá tải trọng theo thiết kế hoặc chứng chỉ xuất xưởng của nó. Không được xếp, chứa bất kỳ một loại tải trọng nào lên các thang của giàn giáo, sàn công tác.
Khi giàn giáo cao hơn 6 m phải làm ít nhất hai sàn công tác, bao gồm sàn làm việc bên trên, sàn bảo vệ bên dưới. Khi làm việc đồng thời trên hai sàn thì vị trí giữa hai sàn này phải có sàn hay lưới bảo vệ. Không được làm việc đồng thời trên hai sàn công tác trong cùng một khoang mà không có biện pháp đảm bảo an toàn.
Khi giàn giáo cao hơn 12 m phải làm cầu thang trong một khoang giàn giáo. Độ dốc cầu thang không được lớn hơn 60o. Khỏang trống ở sàn công tác để lên xuống phải có lan can an toàn ở cả ba phía.
Chiều rộng sàn công tác của giàn giáo không được nhỏ hơn 1 m. Khi vận chuyển vật liệu trên sàn công tác bằng xe đẩy tay thì chiều rộng sàn không được nhỏ hơn 1,5 m. Đường di chuyển của bánh xe phải lát ván; các đầu ván phải khít và liên kết chặt vào sàn công tác.
Ván lát sàn công tác bằng gỗ phải không bị mục, mọt hay nứt gãy và được thiết kế đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định.
Khi phải làm sàn công tác theo quy định tại 2.2.2.6 thì phải có lan can cao ít nhất 1 m và có ít nhất 2 thanh ngang có khả năng giữ người khỏi bị ngã.
Các lối đi qua lại phía dưới giàn giáo và giá đỡ phải có che chắn bảo vệ phía trên.
Giàn giáo, giá đỡ gần các hố đào, đường đi, gần phạm vi hoạt động của máy trục phải có biện pháp đề phòng các vách hố đào bị sụt lở hoặc các phương tiện vận chuyển va chạm làm đổ, gãy giàn giáo, giá đỡ.
Khi lắp dựng, sử dụng giàn giáo, giá đỡ ở gần đường dây tải điện (dưới 5 m, kể cả đường dây hạ thế) cần có biện pháp thật nghiêm ngặt đảm bảo an toàn về điện cho người lao động.
Trên giàn giáo, giá đỡ có lắp đặt, sử dụng điện chiếu sáng, trang thiết bị tiêu thụ điện nhất thiết phải tuân thủ theo quy định tại 2.3, 2.5.
Giàn giáo, giá đỡ có độ cao đến 4 m chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi được cán bộ kỹ thuật nghiệm thu và ghi vào nhật ký thi công; cao trên 4 m thì chỉ được phép sử dụng sau khi được nghiệm thu theo quy định về quản lý chất lượng.
Đối với cốp pha trượt, sàn công tác, lan can phòng hộ, thang và các tấm chắn gió phải được liên kết chặt với hệ cốp pha. Các ti thép đỡ kích phải được tính toán thiết kế và phần ti phía trên khối bê tông phải được giằng chống để đảm bảo độ ổn định. Các kích và thiết bị nâng phải được trang bị chốt hoặc thiết bị hãm tự động chống tụt.
Hàng ngày, trước khi làm việc, cán bộ kỹ thuật phải kiểm tra lại tình trạng của tất cả các bộ phận kết cấu của giàn giáo và giá đỡ. Trong khi đang làm việc, bất kỳ một người lao động nào phát hiện thấy tình trạng hư hỏng của giàn giáo, giá đỡ có thể nguy hiểm, phải dừng làm việc và báo cáo cán bộ kỹ thuật biết để tiến hành sửa chữa bổ sung.
Sau khi ngừng thi công trên giàn giáo, giá đỡ một thời gian dài (trên một tháng) nếu muốn tiếp tục thi công phải tiến hành nghiệm thu lại theo quy định tại 2.8.1.15.
Tháo dỡ giàn giáo, giá đỡ phải được tiến hành theo chỉ dẫn trong thiết kế hoặc chứng chỉ xuất xưởng. Khu vực đang tháo dỡ phải có rào ngăn, biển cấm người và phương tiện qua lại. Không được tháo dỡ giàn giáo, giá đỡ bằng cách giật đổ.
Không được dựng lắp, tháo dỡ hoặc làm việc trên giàn giáo, giá đỡ khi trời mưa to, giông bão hoặc gió từ cấp 5 trở lên. Khi tạnh mưa, muốn trở lại tiếp tục làm việc phải kiểm tra lại giàn giáo, giá đỡ theo quy định tại 2.8.1.16 và phải có biện pháp chống trượt ngã.
Mong rằng sự tư vấn của bộ phận tư vấn an toàn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của mình. Vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 0340 để nhận được ý kiến tư vấn chính xác nhất.
–
Nếu quý vị cần thêm thông tin thì vui lòng liên hệ Trung tâm ứng phó sự cố môi trường
Hotline: 1900 0340 | Tel: 0903 063 599 (Ms Vân)
Email: trungtam@ungphosuco.vn
Bình luận