Phân cấp mức độ nguy hiểm của sự cố hóa chất
PHÂN CẤP MỨC ĐỘ NGUY HIỂM CỦA SỰ CỐ HÓA CHẤT
Căn cứ vào phạm vi, mức độ nguy hiểm của các trường hợp sự cố hóa chất có thể xảy ra, phương án ứng phó được lập tương ứng với 3 cấp độ như sau:
1. sự cố hóa chất Cấp 1 (cấp cơ sở)
Sự cố hóa chất xảy ra ở cơ sở, sự cố không lập tức gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Các tình huống này có thể kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Trong trường hợp này chủ cơ sở phải tổ chức chỉ huy lực lượng của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở để triển khai thực hiện việc ứng cứu kịp thời.
Trường hợp sự cố hóa chất vượt quá khả năng của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh. Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường cho tới khi có lực lượng ứng cứu cấp tỉnh tiếp quản.
2. sự cố hóa chất Cấp 2 (cấp tỉnh/thành phố TW)
Trường hợp sự cố hóa chất gây nên những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (cháy, nổ nhỏ, nhiễm độc hóa chất…). Để kiểm soát được các tình huống này, ngoài việc triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng ứng cứu của các đơn vị, cơ sở còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố theo các phương án đã thỏa thuận trước.
Trong trường hợp xảy ra vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh tổ chức ứng cứu, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các đơn vị hỗ trợ nhằm sớm ứng phó sự cố, tránh gây các hậu quả nghiêm trọng.
Các trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố ở mức độ này:
– Rò rỉ khí Ammonia, khí Clo, khí công nghiệp;
– Rò rỉ LPG;
– Sự cố tràn dầu hệ thống các cảng ven sông, ven biển;
– Sự cố cháy, nổ bồn chứa xăng, dầu; tràn đổ, rò rỉ các loại hóa chất như Axit, Xút, Methanol, Methyl Isobuthyl Kentone và các loại hóa chất ít nguy hại khác trên đường vận chuyển;
– Sự cố cháy, nổ tại các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, cửa hàng kinh doanh gas; sự cố cháy nổ kho chứa VLNCN trữ lượng đến 5 tấn…
3. sự cố hóa chất Cấp 3 (cấp quốc gia)
Trường hợp sự cố hóa chất gây nên mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với cuộc sống con người, môi trường hoặc có khả năng thiệt hại toàn bộ công trình (chết người, cháy lớn, nổ lớn…). Tình huống này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc xuất phát từ các tình huống, sự cố thấp hơn do không kiểm soát được và phát triển theo xu hướng ngày càng xấu đi nghiêm trọng.
Khi mức độ nguy hiểm vượt quá khả năng ứng phó của Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh, UBND tỉnh kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, Chính phủ và các các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ứng phó.
Các trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố ở mức độ này: Tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất cồn, các trạm nạp khí vào chai; kho chứa xăng, dầu; kho chứa VLNCN trữ lượng từ 10 tấn trở lên.
Bình luận