An toàn khi làm việc với thiết bị điện
QCVN 01:2020/BCT do Tổ soạn thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn điện trong hoạt động điện lực biên soạn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành kèm theo Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
IV.VIII. An toàn khi làm việc với xe phục vụ công tác vận hành, sửa chữa đường dây, thiết bị điện
106. Vận hành
106.1. Chỉ những người đã được đào tạo kỹ năng đầy đủ và có chứng chỉ liên quan theo quy định của pháp luật mới được vận hành xe chuyên dùng.
106.2. Người vận hành phải kiểm tra xe chuyên dùng trước khi xuất phát.
107. Quy định vận tốc di chuyển
Khi di chuyển trong khu vực trạm điện, vận tốc di chuyển của các loại xe không được quá 10km/h.
108. Khoảng cách tối thiểu
Khi di chuyển trong khu vực trạm điện, khoảng cách nhỏ nhất từ bất kỳ bộ phận nào của xe đến phần có điện không nhỏ hơn quy định ở bảng sau:
Điện áp (kV) |
Khoảng cách (m) |
Từ 01 đến 35 |
1,0 |
Trên 35 đến 110 |
1,5 |
220 |
2,5 |
500 |
4,5 |
109. Nối đất xe
Khi làm việc có cắt điện một phần hoặc không cắt điện ở gần nơi có điện, bệ xe cần cẩu, xe thang và xe nâng di động phải được nối đất.
110. Xử lý sự cố xe
110.1. Khi có hiện tượng phóng điện vào xe, cấm người chạm vào xe, rời khỏi xe hoặc bước lên xe trước khi cắt nguồn điện gây phóng điện.
110.2. Nếu xe bị cháy khi chưa kịp cắt điện, người lái xe phải nhảy ra khỏi xe và di chuyển để tránh điện áp bước.
111. Kiểm tra định kỳ
Xe chuyên dùng phải được kiểm tra định kỳ.
112. Cấm vận hành
Cấm vận hành xe cần cẩu, xe thang và xe nâng trong trường hợp có gió mạnh từ cấp 5 trở lên.
113. Quy trình vận hành xe
Mỗi xe phải có quy trình hướng dẫn vận hành, xử lý sự cố và được phổ biến để thực hiện công việc. Đơn vị sử dụng xe quy định công tác an toàn cho nhân viên và Người chỉ huy trực tiếp.
IV.IX. Các công việc khác
114. Cây gần công trình điện lực
114.1. Cây có nguy cơ gây mất an toàn về điện phải có biện pháp xử lý (chặt, tỉa, di dời,…) để đảm bảo an toàn. Tổ chức, cá nhân phải phối hợp với đơn vị quản lý vận hành trước khi thực hiện công việc.
114.2. Trước khi xử lý phải kiểm tra, áp dụng biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người tham gia thực hiện công việc, công trình điện lực và cộng đồng.
115. Làm việc với thiết bị điện, đường dây điện trong công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
115.1. Xác định đúng thiết bị điện, đường dây điện sẽ làm việc.
115.2. Xác định các yếu tố nguy hiểm của hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (nếu có).
115.3. Đảm bảo an toàn cho công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
116. Khi nâng, hạ tải trọng
Khi nâng hoặc hạ một tải trọng, phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
116.1. Nhân viên đơn vị công tác không đứng và làm bất cứ công việc gì trong vùng nguy hiểm của thiết bị nâng.
116.2. Dây cáp treo tải trọng phải có độ bền phù hợp với tải trọng.
116.3. Móc treo, ròng rọc treo cáp với tải trọng phải được khóa để tránh rơi.
117. Vận chuyển vật siêu trường, siêu trọng
Khi vận chuyển vật siêu trường, siêu trọng phải sử dụng các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn và không trái với các quy định hiện hành.
118. Ngăn ngừa mất khả năng làm việc do công cụ gây rung
Công cụ khi làm việc gây rung, như cưa xích, đầm… phải áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp.
119. Làm việc với hệ thống truyền tải điện một chiều, trạm biến áp ngầm, trạm biến áp trong nhà cao tầng, trạm GIS, bộ lưu trữ điện, điện gió, điện mặt trời
Đối với hệ thống truyền tải điện một chiều, trạm biến áp ngầm, trạm biến áp trong nhà cao tầng, trạm GIS, bộ lưu trữ điện, nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời chưa có quy định hiện hành của Việt Nam thì áp dụng theo quy định của nhà chế tạo và quốc tế nhưng không được trái với các quy định của Việt Nam thì được ưu tiên áp dụng.
120. Làm việc với trạm biến áp không người trực
120.1. Có các biện pháp để ngăn chặn những người không có nhiệm vụ vào trạm.
120.2. Có quy trình quản lý vận hành, phối hợp giữa các đơn vị.
120.3. Phải đảm bảo các điều kiện về điều khiển xa, giám sát từ xa theo quy định hiện hành.
120.4. Khi có đơn vị công tác làm việc tại trạm phải thực hiện như đối với trạm biến áp có người trực.
121. Vệ sinh cách điện khi đang vận hành
121.1. Chất lượng nước, áp lực nước phải đảm bảo theo quy trình. Nghiêm cấm sử dụng nước chưa đạt tiêu chuẩn về cách điện để vệ sinh cách điện hotline.
121.2. Chỉ được phép thực hiện công việc trong điều kiện thời tiết bình thường; cấm thực hiện công việc khi có gió cấp 4 trở lên, khi có mưa phùn, mưa giông, sấm sét, sương mù hoặc độ ẩm không khí không đảm bảo an toàn theo quy trình.
121.3. Khi đang công tác mà nhận thấy có khả năng mưa giông, sấm sét thì phải dừng ngay công việc và rút khỏi hiện trường.
122. Làm việc với đường dây đang có điện (sửa chữa điện nóng)
122.1. Đối với điện cao áp đến 35 kV:
122.1.1. Người làm công việc phải được đào tạo, sát hạch và cấp chứng nhận phù hợp.
122.1.2. Cấm thực hiện công tác khi trời mưa hoặc khi thời tiết ẩm ướt hoặc có sương mù hoặc có giông sét hoặc có gió từ cấp 5 trở lên; khi trời tối, nơi làm việc không đủ ánh sáng.
122.1.3. Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ cách điện và phương tiện chuyên dùng có cách điện phù hợp khi làm việc.
122.1.4. Thực hiện khóa các thiết bị tự động đóng lại trước khi tiến hành công việc.
122.2. Đối với cấp điện áp 110 kV:
122.3. Người làm công việc phải được đào tạo, huấn luyện phù hợp với thiết bị, quy trình, công nghệ được trang bị; được kiểm tra đạt tiêu chuẩn về mặt lý thuyết, thực hành phương pháp thi công, sửa chữa, bảo trì lưới điện đang có điện.
122.3.1. Tất cả công tác thi công sửa chữa, bảo trì đường dây đang có điện đều phải được khảo sát, lập phương án thi công, đăng ký công tác với đơn vị quản lý vận hành và phải được cấp phiếu công tác.
122.3.2. Trước khi bắt đầu công việc phải thực hiện khóa các thiết bị tự động đóng lại và không được đóng lại bằng tay.
122.3.3. Không mang theo đồ trang sức, vật dụng cá nhân bằng kim loại khi làm việc.
122.3.4. Tổ chức kiểm tra sức khỏe (thân nhiệt, huyết áp, thị lực, thính lực) cho nhân viên đơn vị công tác tại hiện trường trước khi tiến hành công việc.
122.3.5. Trong một thời điểm, nhân viên đơn vị công tác chỉ được phép làm việc trên 01 pha.
122.3.6. Không được làm việc vượt quá tải trọng làm việc (tải trọng cơ) và vượt quá điện áp làm việc của thiết bị, dụng cụ thi công.
122.3.7. Không thực hiện công tác khi:
122.3.7.1. Trời tối hoặc ban đêm; nơi làm việc không đủ ánh sáng (tại vị trí làm việc nhân viên đơn vị công tác phải nhìn rõ phần có điện gần nhất).
122.3.7.2. Điều kiện làm việc không an toàn hoặc không đủ nhân lực hoặc không có Người chỉ huy trực tiếp, Người giám sát an toàn điện hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn, dụng cụ thi công không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy trình công nghệ.
123. Làm việc tại không gian hạn chế
Thực hiện theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế ban hành theo Thông tư số 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các văn bản sửa đổi, thay thế (nếu có).
Bình luận