Quy định về người quản lý, vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực và thợ hàn áp lực
Quy định về người quản lý, vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực và thợ hàn áp lực được ghi rõ trong QCVN: 01- 2008/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực do Cục An Toàn Lao Động biên soạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành theo quyết định số 64/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27 tháng 11 năm 2008, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quy chuẩn này quy định về an toàn lao động trong thiết kế, chế tạo, xuất nhập khẩu, mua bán, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng đối với các nồi hơi, bình chịu áp lực sau:
- Các nồi hơi và bình chịu áp lực có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar, không kể áp suất thuỷ tĩnh;
- Các nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất lớn hơn 1150C;
- Các bể (xi téc), thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hoá lỏng hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng chất khí có áp suất cao hơn 0,7 bar và các chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hoá lỏng, khí hoà tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với các nồi hơi và bình chịu áp lực sau:
- Nồi hơi đặt trên các tàu thuỷ; nồi hơi sử dụng năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời;
- Các nồi hơi, bình chịu áp lực có dung tích không lớn hơn 25 lít, mà tích số giữa dung tích (tính bằng lít) và áp suất (tính bằng bar) không lớn hơn 200;
- Các bộ phận máy không phải là một bình độc lập như xilanh, máy hơi nước và máy nén không khí, các bình làm nguội và phân ly dầu, nước trung gian không tách rời được thiết bị của máy nén, các bầu không khí của máy bơm, các thiết bị giảm chấn động v.v…;
- Các bình không làm bằng kim loại;
- Các bình kết cấu bằng ống với đường kính trong ống lớn nhất không quá 150mm;
- Các bình chứa không khí nén của thiết bị hãm các bộ phận chuyển động trong vận chuyển đường sắt, ô tô và các phương tiện vận chuyển khác;
- Các bình chứa nước có áp suất nhưng nhiệt độ nước không quá 115oC hoặc chứa các chất lỏng khác có nhiệt độ môi chất không quá điểm sôi ứng với áp suất 0,7 bar;
- Các bình hợp thành hoặc đi kèm theo vũ khí, khí tài phương tiện vận tải,… dùng trong các đơn vị chiến đấu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
- Các bình (khuôn) hấp riêng cho từng chiếc lốp ô tô, xe đạp … ;
Quy định về người quản lý, vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực và thợ hàn áp lực
8.1. Người vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực phải được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ nêu tại Điều 5.1.8 của Quy chuẩn này được quy định như sau:
8.1.1.Việc đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ được thực hiện dưới các hình thức:
+ Đào tạo qua các trường chuyên ngành, cơ sở dậy nghề, trung tâm huấn luyện, cơ quan kiểm định, cơ sở chế tạo;
+ Đào tạo, huấn luyện tại cơ sở; mở lớp tập trung hoặc trong quá trình tiếp nhận, lắp đặt, vận hành thử nghiệm nồi hơi, bình chịu áp lực.
8.1.2. Nội dung đào tạo:
+ Kiến thức cơ bản về nồi hơi, bình chịu áp lực, chuyên sâu về thiết bị được vận hành;
+ Thực tập thực tế kỹ năng vận hành, xử lý sự cố thường gặp;
+ Kiểm tra, sát hạch.
8.1.3. Cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận huấn luyện an toàn về nghiệp vụ:
+ Việc cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề phải do cơ sở có chức năng nêu tại Mục 5.1.8 thực hiện và phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước về dạy nghề.
+ Người vận hành chính nồi hơi sản xuất điện- nhiệt phải có bằng nghề, các nồi hơi khác phải có chứng chỉ nghề
+ Người theo dõi phục vụ, không vận hành trực tiếp nồi hơi nêu trong điều 5.2.5 của Quy chuẩn này và người vận hanh bình chịu áp lực tối thiểu phải có chứng nhận huấn luyện an toàn về nghiệp vụ.
8.2. Người quản lý nồi hơi, bình chịu áp lực phải là người nắm vững nội quy, quy trình vận hành an toàn và xử lý sự cố của tất cả nồi hơi, bình chịu áp lực được giao của cơ sở; các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn lao động và các quy định của Nhà nước, Bộ, ngành, cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) có liên quan đến công tác quản lý loại thiết bị này.
8.3. Việc đào tạo cấp chứng nhận hàn áp lực nêu trong Điều 2.3.4 và Điều 4.2.7 của Quy chuẩn này được quy định như sau:
8.3.1. Việc đào tạo cấp chứng chỉ nghề thợ hàn và huấn luyện, kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận thợ hàn áp lực chỉ được tiến hành tại các cơ sở có tư cách pháp nhân và tối thiểu phải có đủ năng lực sau đây:
a, Có khả năng tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo nghề hàn, tài liệu huấn luyện chuyên môn về hàn áp lực; xây dựng quy chế, thể lệ sát hạch, tiêu chí sát hạch phù hợp với mức độ đào tạo và quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Có cán bộ chuyên môn thực hiện việc giảng dạy, hướng dẫn thực hành, huấn luyện, kiểm tra, sát hạch;
b, Có điều kiện tổ chức thực hành thực tế, thực hiện kiểm tra mẫu hàn đúng quy định của tiêu chí sát hạch.
Việc đào tạo nghề hàn và cấp chứng chỉ nghề phải tuân thủ quy định của Nhà nước hiện hành về dạy nghề.
8.3.2. Trường hợp thợ hàn đã có chứng chỉ nghề hàn thì không cần tổ chức đào tạo nghề hàn nhưng phải được huấn luyện, kiểm tra sát hạch để được cấp giấy chứng nhận thợ hàn áp lực.
Sau khi huấn luyện, kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu thì cấp giấy chứng nhận hàn áp lực. Giấy chứng nhận hàn áp lực phải có nội dung sau:
+ Tên cơ sở huấn luyện, kiểm tra, sát hạch;
+ Tên, tuổi, địa chỉ người được huấn luyện;
+ Thời gian huấn luyện;
+ Nội dung được huấn luyện;
+ Kết quả kiểm tra, sát hạch;
+ Loại, dạng, các thông số giới hạn của mối hàn được phép hàn;
+ Thời hạn chứng nhận có hiệu lực (tối đa không quá 2 năm).
Chủ cơ sở đào tạo ghi rõ tên, chức danh; ký và đóng dấu.
8.4. Những thợ hàn áp lực chỉ được phép hàn các mối hàn trong phạm vi giấy chứng nhận và phải được huấn luyện, sát hạch lại trong những trường hợp sau:
8.4.1. Khi giấy chứng nhận hết hạn;
8.4.2. Khi không làm công việc hàn áp lực liên tục quá một nửa thời hạn ghi trong giấy chứng nhận;
8.4.3. Khi thay đổi loại, dạng hàn khác với giấy chứng nhận đã cấp.
Việc huấn luyện, sát hạch lại phải được thực hiện tại các cơ sở được quy định tại Điều 8.3.1 của Quy chuẩn này.
Bình luận