Đóng menu x

Phiếu – Lệnh công tác về Điện

Phiếu – Lệnh công tác về Điện

QCVN 01:2020/BCT do Tổ soạn thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn điện trong hoạt động điện lực biên soạn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành kèm theo Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

III.VI. Phiếu công tác, Lệnh công tác

42. Phiếu công tác

42.1. Là phiếu cho phép làm việc với thiết bị điện, đường dây điện.

42.2. Khi làm việc theo phiếu công tác, mỗi đơn vị công tác phải được cấp một phiếu công tác cho một công việc.

42.3. Phiếu công tác viết ra giấy hoặc qua các phần mềm điện tử.

43. Lệnh công tác

Lệnh công tác là lệnh viết ra giấy hoặc qua các phần mềm điện tử hoặc bằng lời nói để thực hiện công việc ở thiết bị điện, đường dây điện. Trước khi thực hiện công việc, lệnh công tác phải được xác nhận giữa các bên và được lưu lại nội dung lệnh.

44. Một số quy định khác đối với phiếu công tác, lệnh công tác

44.1. Phiếu công tác, lệnh công tác có hiệu lực từ thời điểm Người chỉ huy trực tiếp nhận và thống nhất nội dung phiếu công tác, lệnh công tác với Người cho phép đến thời điểm Người chỉ huy trực tiếp ký kết thúc công tác; phiếu công tác, lệnh công tác phải được lưu ít nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc công tác.

44.2. Trường hợp xảy ra tai nạn thì phiếu công tác, lệnh công tác phải được lưu cùng hồ sơ vụ việc.

44.3. Khi công tác trên một đường dây dẫn điện hoặc một thiết bị điện đã được cắt điện liên tục để làm việc nhiều ngày, cho phép cấp một phiếu công tác để làm việc nhiều ngày và trước mỗi ngày làm việc, đơn vị công tác phải thực hiện thủ tục cho phép đơn vị công tác vào làm việc.

45. Công việc thực hiện theo phiếu công tác, lệnh công tác

45.1. Theo phiếu công tác khi phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn chuẩn bị chỗ làm việc:

45.1.1. Làm việc không có điện.

45.1.2. Làm việc ở gần phần có điện.

45.1.3. Làm việc có điện.

45.2. Theo lệnh công tác:

45.2.1. Không cần phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn chuẩn bị chỗ làm việc.

45.2.2. Làm việc ở xa nơi có điện.

45.2.3. Các công việc để xử lý sự cố dưới sự giám sát của nhân viên vận hành trong ca trực.

45.2.4. Các công việc với điện hạ áp do lãnh đạo đơn vị quyết định.

46. Nội dung của phiếu công tác

Phiếu công tác bao gồm nhưng không giới hạn các thông tin chính sau đây:

46.1. Số phiếu công tác.

46.2. Họ và tên của Người cấp phiếu công tác.

46.3. Họ và tên Người lãnh đạo công việc (nếu có).

46.4. Họ và tên Người giám sát an toàn điện (nếu có).

46.5. Họ và tên Người cho phép.

46.6. Họ và tên Người chỉ huy trực tiếp.

46.7. Danh sách nhân viên đơn vị công tác.

46.8. Nội dung công việc.

46.9. Địa điểm làm việc.

46.10. Thời gian làm việc (giờ, ngày, tháng và năm).

46.11. Điều kiện tiến hành công việc (cắt điện hay không, làm việc ở gần nơi có điện).

46.12. Phạm vi làm việc.

46.13. Biện pháp an toàn được thực hiện tại nơi làm việc.

46.14. Chỉ dẫn hoặc cảnh báo của Người cho phép đối với đơn vị công tác.

46.15. Các hạng mục cần thiết khác (nếu có).

46.16. Kết thúc công tác và giao trả hiện trường.

46.17. Khóa phiếu công tác.

Mẫu phiếu công tác tại Phụ lục A.

47. Nội dung chính lệnh công tác

47.1. Số lệnh công tác.

47.2. Họ và tên Người ra lệnh công tác.

47.3. Họ và tên Người chỉ huy trực tiếp (người thi hành lệnh).

47.4. Danh sách nhân viên đơn vị công tác.

47.5. Nội dung công việc.

47.6. Địa điểm làm việc.

47.7. Thời gian làm việc (giờ, ngày, tháng và năm).

47.8. Điều kiện tiến hành công việc.

47.9. Kết thúc công tác

Mẫu lệnh công tác tại Phụ lục B.

48. Trách nhiệm của Người cấp phiếu công tác/lệnh công tác

48.1. Ghi các đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định và ký cấp phiếu công tác/lệnh công tác.

48.2. Giao phiếu, chỉ dẫn những yêu cầu cụ thể và những yếu tố nguy hiểm để thực hiện công việc.

48.3. Kiểm tra và ký hoàn thành phiếu công tác/ lệnh công tác sau khi nhận lại.

49. Trách nhiệm của Người lãnh đạo công việc

Người lãnh đạo công việc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các đơn vị công tác trong quá trình thực hiện công việc.

50. Trách nhiệm của Người cho phép

50.1. Người cho phép chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn điện thuộc trách nhiệm của mình để chuẩn bị chỗ làm việc cho đơn vị công tác.

50.2. Chỉ dẫn cho đơn vị công tác các thiết bị đã được cắt điện, những phần thiết bị còn điện và các biện pháp đặc biệt chú ý.

50.3. Ký cho phép vào làm việc và bàn giao nơi làm việc cho đơn vị công tác.

51. Trách nhiệm của Người giám sát an toàn điện

51.1. Cùng Người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận nơi làm việc.

51.2. Phải luôn có mặt tại nơi làm việc để giám sát an toàn về điện cho nhân viên đơn vị công tác và không được làm thêm nhiệm vụ khác.

52. Trách nhiệm của Người chỉ huy trực tiếp

52.1. Trách nhiệm phối hợp

Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan và chỉ huy, kiểm tra đơn vị công tác để đảm bảo công tác an toàn và gìn giữ an toàn cho cộng đồng.

52.2. Người chỉ huy trực tiếp phải hiểu rõ nội dung công việc được giao, các biện pháp an toàn phù hợp với công việc và có trách nhiệm kiểm tra:

52.2.1. Kiểm tra sơ bộ sức khỏe nhân viên đơn vị công tác, phương tiện sơ cứu thiết yếu.

52.2.2. Kiểm tra lại và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cần thiết.

52.2.3. Việc chấp hành các quy định về an toàn của nhân viên đơn vị công tác.

52.2.4. Chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc.

52.2.5. Trực tiếp hoặc phân công nhân viên đơn vị công tác đặt, di chuyển, tháo dỡ các biển báo an toàn điện, rào chắn, nối đất di động trong khi làm việc và phổ biến cho tất cả nhân viên đơn vị công tác biết.

52.3. Trách nhiệm phân công làm việc

Chỉ được phân công nhân viên đơn vị công tác vào làm việc sau khi đã nhận được sự cho phép của Người cho phép và đã kiểm tra, thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

52.4. Trách nhiệm giải thích

Trước khi cho đơn vị công tác vào làm việc Người chỉ huy trực tiếp phải giải thích cho nhân viên đơn vị công tác về nội dung, trình tự để thực hiện công việc và các biện pháp an toàn.

52.5. Trách nhiệm giám sát

Người chỉ huy trực tiếp phải có mặt liên tục tại nơi làm việc, giám sát và có biện pháp để nhân viên đơn vị công tác không thực hiện những hành vi có thể gây tai nạn trong quá trình làm việc.

52.6. Trách nhiệm nhận và trả hiện trường công tác

Ký nhận, trả hiện trường công tác với Người cho phép.

53. Trách nhiệm của nhân viên đơn vị công tác

53.1. Phải nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn liên quan đến công việc, phải nhận biết được các yếu tố nguy hiểm và phải thành thạo phương pháp sơ cứu người bị tai nạn do điện.

53.2. Phải tuân thủ hướng dẫn của Người chỉ huy trực tiếp và không làm những việc mà người chỉ huy không giao. Khi không thể thực hiện được công việc theo lệnh của người chỉ huy, hoặc nhận thấy nguy hiểm, thiếu an toàn nếu thực hiện công việc đó theo lệnh, nhân viên đơn vị công tác được phép ngừng ngay công việc và báo cáo người có trách nhiệm.

53.3. Chỉ được làm việc trong phạm vi cho phép.

53.4. Khi xảy ra tai nạn, mọi nhân viên đơn vị công tác phải tìm cách sơ cứu, cấp cứu người bị nạn và đồng thời báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

54. Trách nhiệm Người thi hành lệnh

54.1. Phải nắm vững thời gian, địa điểm, nội dung công việc được giao và các biện pháp an toàn phù hợp với yêu cầu của công việc.

54.2. Phải đọc kỹ nội dung lệnh công tác, nếu thấy bất thường hoặc chưa rõ thì phải hỏi lại ngay người ra lệnh.

54.3. Chuẩn bị, kiểm tra chất lượng của các dụng cụ, trang bị an toàn sử dụng trong khi làm việc.

54.4. Kiểm tra và thực hiện các biện pháp an toàn để tiến hành công việc.

55. Trách nhiệm của Người cảnh giới

55.1. Cùng với Người chỉ huy trực tiếp tiếp nhận và phải luôn có mặt tại vị trí cần cảnh giới để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

55.2. Phối hợp với Người chỉ huy trực tiếp để thực hiện công việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Bình luận

Tel: 090306 3599