Đóng menu x

Kế hoạch quản lý chất lượng không khí bao gồm những nội dung gì? Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong bảo vệ môi trường không khí?

Kế hoạch quản lý chất lượng không khí bao gồm những nội dung gì? Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong bảo vệ môi trường không khí?

Môi trường không khí được bảo vệ theo những quy định chung nào?

Căn cứ Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định định chung về bảo vệ môi trường không khí như sau:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

– Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.

– Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.

– Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường không khí có những nội dung gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí như sau:

“Điều 13. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí

1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí gồm Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh phải phù hợp với Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, quy hoạch tỉnh, là căn cứ để tổ chức thực hiện và quản lý chất lượng môi trường không khí.”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì nội dung chính của kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí bao gồm:

– Đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí;

– Mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể;

– Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;

– Chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp; xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí hên vùng, liên tỉnh;

– Tổ chức thực hiện.

Và theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh bao gồm:

– Đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương;

– Đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí;

– Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí;

– Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng;

– Mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí;

– Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;

– Tổ chức thực hiện.

Như vậy, nội dung kế hoạch quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường không khí gồm nội dung trong kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng bảo vệ môi trường không khí và nội dung trong kế hoạch quản lý chất lượng bảo vệ môi trường không khí cấp tỉnh như trên đã đề cập.

Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường không khí?

Căn cứ Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí được quy định như sau:

– Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

+ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và tổ chức thực hiện;

+ Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

+ Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;

+ Đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng;

+ Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.

Ngoài ra, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng được xác định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì sẽ thực hiện biện pháp khẩn cấp theo Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

– Đối với trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường thì:

+ Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm:

++ Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;

++ Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

++ Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn;

++ Xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

++ Xây dựng và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm:

++ Hướng dẫn, kiểm tra và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; các hoạt động chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

++ Hướng dẫn nội dung kế hoạch ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước; quy trình, kỹ thuật ứng phó sự cố môi trường, kịch bản sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

++ Xây dựng, đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý;

++ Tham gia Ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo phân công của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

– Đối với chất lượng môi trường không khí không thuộc trường hợp bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường thì Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:

+ Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

+ Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;

+ Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học;

+ Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.

 

TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ AN TOÀN MÔI TRƯỜNG (ESE)
Số 05B Phổ Quang, Phường 02, Quận Tân Bình, TP.HCM
0938497066 – Ms.Tuyết

Bình luận

Tel: 090306 3599