GIẢI THÍCH MỘT SỐ THUẬT NGỮ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
QCVN 03:2021/BCA
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.1.
Phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Firefighting Apparatus)
Phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy và chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
1.2.
Máy bơm chữa cháy (Fire Pump)
Bộ thiết bị lắp ráp bao gồm phần bơm, phần động cơ truyền động, cơ cấu điều khiển (nếu có) và các phụ kiện, khi làm việc tạo ra áp lực và lưu lượng nước dùng để chữa cháy.
1.3.
Vòi chữa cháy (Fire Hose)
Đường ống dẫn mềm chịu áp lực dùng để truyền chất chữa cháy đến đám cháy.
Vòi chữa cháy có cấu tạo gồm thân vòi và đầu nối.
1.4.
Lăng chữa cháy (Spray Nozzles)
Thiết bị chữa cháy cầm tay được kết nối trực tiếp với vòi chữa cháy hoặc thông qua đầu nối chữa cháy để phun chất chữa cháy.
Lăng chữa cháy có cấu tạo gồm thân lăng và khớp nối.
1.5.
Trụ nước chữa cháy (Fire Hydrant)
Thiết bị chuyên dùng được lắp đặt vào hệ thống đường ống cấp nước dùng để lấy nước phục vụ chữa cháy. Trụ nước chữa cháy bao gồm các bộ phận chính như van, thân trụ và họng chờ có kích thước theo tiêu chuẩn.
1.6.
Đầu nối chữa cháy (fire hose couplings)
Thiết bị sử dụng để kết nối các vòi chữa cháy với nhau, kết nối vòi chữa cháy với các thiết bị chữa cháy khác.
1.7.
Bình chữa cháy (Fire Extinguisher)
Thiết bị chứa chất chữa cháy có thể phun và hướng chất chữa cháy vào đám cháy bằng tác động của áp suất khí nén.
Khí nén dùng để đẩy chất chữa cháy vào đám cháy có thể được nén trực tiếp trong khu vực chứa chất chữa cháy hoặc có thể được nén trong bình chứa độc lập.
1.8.
Bình chữa cháy xách tay (Portable Fire Extinguisher)
Bình chữa cháy được thiết kế để mang và vận hành chữa cháy bằng tay, có khối lượng không lớn hơn 20 kg.
1.9.
Bình chữa cháy có bánh xe (Wheeled Fire Extinguisher)
Bình chữa cháy được đặt trên bánh xe có khối lượng tổng lớn hơn 20kg đến 450kg được thiết kế để có thể vận hành và vận chuyển đến đám cháy bởi một người.
1.10.
Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt (Automatic Diffusion Dry-powder Fire Extinguisher)
Bình chữa cháy sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy và tự động kích hoạt khi có tác động của nhiệt độ môi trường hoặc ngọn lửa của đám cháy đủ lớn vượt quá ngưỡng tác động kích hoạt (nhiệt độ làm việc).
Việc phun chất chữa cháy có thể được thực hiện bằng:
– Khí đẩy nén trực tiếp trong bình (áp suất bên trong bình chứa chất chữa cháy không đổi).
– Hoạt động của chai khí đẩy (sự tăng áp tại thời điểm sử dụng bằng cách giải phóng khí có áp trong một chai chứa riêng có áp suất cao).
1.11.
Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo (Hanging Type Automatic Diffusion Dry-powder Fire Extinguisher)
Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt được thiết kế có cơ cấu treo (trần, tường, dưới mái…).
1.12.
Chất bột chữa cháy (Extinguishing Powder)
Chất chữa cháy dạng chất rắn, tán mịn gồm một hoặc nhiều thành phần hóa học kết hợp với các chất phụ gia nhằm hoàn thiện các đặc tính của nó.
1.13.
Chất tạo bọt (Foam Concentrate)
Hóa chất dạng lỏng khi trộn với nước theo tỷ lệ nhất định thì tạo ra dung dịch chất tạo bọt.
1.14.
Cửa ngăn cháy (Fire Doors)
Bao gồm tất cả các bộ phận như khuôn hoặc thanh dẫn hướng, bản cánh cửa, tấm cửa cuốn hoặc tấm cửa xếp, v.v, dùng để chắn kín các ô cửa trong những bộ phận ngăn cách. Các cửa này còn phải có đầy đủ các chi tiết khác, nếu được sử dụng trong thực tế như các tấm bịt cố định cạnh cửa, tấm kính quan sát hoặc tấm bịt cố định phía trên, cùng tất cả các phụ kiện của cửa kể cả chi tiết gioăng bịt (dùng để ngăn cản lửa hoặc khói hay dùng cho những mục đích khác như thông gió, cách âm…).
1.15.
Bộ phận ngăn cách (Separating Element)
Một bộ phận dùng để phân chia hai khu vực liền kề nhau trong một tòa nhà khi có cháy.
1.16.
Bộ phận ngăn cách nằm ngang chịu tải (Loadbearing Horizon Separating Element)
Sàn và mái chịu tải, theo hướng nằm ngang, có tác dụng như bộ phận ngăn cháy hoặc che lửa. Các bộ phận đó chia tòa nhà thành các khoang cháy hoặc các vùng ngăn cháy, hoặc ngăn cháy tòa nhà với các tòa nhà kế cận, nhằm ngăn chặn sự cháy lan tới các khoang hoặc tới các tòa nhà kế cận.
1.17.
Bộ phận ngăn cháy theo phương thẳng đứng chịu tải (Vertical Separating Element)
Các bộ phận của tòa nhà, chịu tải, theo phương thẳng đứng, có tác dụng như bộ phận ngăn cháy hoặc che chắn lửa. Các bộ phận đó chia tòa nhà thành các khoang cháy hoặc các vùng ngăn cháy, hoặc ngăng cách tòa nhà với các tòa kế cận, nhằm ngăn chặn sự cháy lan tới các khoang hoặc tới các tòa nhà kế cận.
1.18.
Bộ phận ngăn cháy theo phương thẳng đứng không chịu tải (Non-loadbearing Vertical Separating Element)
Các bộ phận của tòa nhà, không chịu tải, theo phương thẳng đứng, có tác dụng như bộ phận ngăn cháy hoặc che chắn lửa. Các bộ phận đó chia tòa nhà thành các khoang cháy hoặc các vùng ngăn cháy, hoặc ngăng cách tòa nhà với các tòa kế cận, nhằm ngăn chặn sự cháy lan tới các khoang hoặc tới các tòa nhà kế cận.
1.19.
Hệ thống báo cháy tự động (Automatic Fire Detection and Alarm System)
Hệ thống thiết bị tự động phát hiện và thông báo địa điểm cháy.
1.20.
Đầu báo cháy tự động (Automatic Fire Detector)
Thiết bị tự động nhạy cảm với các hiện tượng kèm theo sự cháy (sự tăng nhiệt độ, tỏa khói, phát sáng) và truyền tín hiệu thích hợp đến trung tâm báo cháy.
1.20.1
Đầu báo cháy kết hợp (Combination Detector)
Đầu báo cháy kết hợp hai hoặc nhiều hơn nguyên lý phát hiện cháy trong một đầu báo cháy.
1.20.2
Đầu báo cháy lửa (Flame Detector)
Đầu báo cháy tự động nhạy cảm với bức xạ phát ra từ ngọn lửa.
1.20.3
Đầu báo cháy nhiệt (Heat Detector)
Đầu báo cháy tự động nhạy cảm với nhiệt độ khác thường và/hoặc sự gia tăng nhiệt độ của môi trường nơi lắp đặt đầu báo cháy.
1.20.4
Đầu báo cháy khói (Smoke Detector)
Đầu báo cháy tự động nhạy cảm với khói tạo ra bởi các hạt rắn hoặc lỏng sinh ra từ quá trình cháy và/hoặc quá trình phân hủy do nhiệt.
1.20.5
Đầu báo cháy khói quang điện (Photoeletric Smoke Detector)
Đầu báo cháy nhạy cảm với các sản phẩm được sinh ra khi cháy có khả năng ảnh hưởng đến sự hấp thụ bức xạ hay tán xạ trong vùng hồng ngoại và/hoặc vùng cực tím nhìn thấy được của phổ điện từ.
1.20.6
Đầu báo cháy khói ion hóa (Ionization Smoke Detector)
Đầu báo cháy khói nhạy cảm với các sản phẩm sinh ra khi cháy có khả năng tác động tới các dòng ion hóa bên trong đầu báo cháy.
1.20.7
Đầu báo cháy điểm (Point Detector)
Đầu báo cháy phản ứng với hiện tượng cháy được kiểm soát trong khu vực xung quanh một bộ cảm biến.
1.21.
Tủ trung tâm báo cháy (Fire Alarm Control Panel)
Thiết bị cung cấp năng lượng cho các đầu báo cháy tự động và thực hiện chức năng sau đây:
– Nhận tín hiệu từ đầu báo cháy tự động và phát tín hiệu báo động cháy chỉ thị nơi xảy ra cháy.
– Có thể truyền tín hiệu phát hiện cháy qua thiết bị truyền tín hiệu đến nơi nhận tin báo cháy hoặc/và đến các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tự động.
– Kiểm tra sự làm việc bình thường của hệ thống, chỉ thị sự cố của hệ thống như đứt dây, chập mạch…
– Có thể tự động điều khiển sự hoạt động của các thiết bị ngoại vi khác.
1.22.
Nút ấn báo cháy (Manual Call Point)
Thiết bị thực hiện việc báo cháy ban đầu bằng tay.
1.23.
Chai chứa khí chữa cháy (extinguishant cylinder)
Thiết bị dùng để chứa khí chữa cháy cung cấp cho hệ thống chữa cháy bằng khí.
1.24.
Đầu phun (Nozzles)
Thiết bị dùng để xả chất chữa cháy, phân bố theo đặc tuyến và số lượng qui định trên một diện tích thiết kế.
1.24.1.
Đầu phun kín (Spinkler)
Đầu phun có cơ cấu nhạy cảm nhiệt được thiết kế để tác động ở một nhiệt độ xác định trước.
1.24.2.
Đầu phun hở (Drencher)
Đầu phun không có cơ cấu nhạy cảm nhiệt thuộc hệ thống chữa cháy tự động tràn ngập, được khống chế bởi một van mở nhanh (van tràn ngập), được kích hoạt nhờ một hệ thống báo cháy tự động hoặc nhờ các đầu phun sprinkler lắp đặt trong cùng khu vực.
1.25.
Chiếu sáng khẩn cấp (Emergency Lighting)
Đèn chiếu sáng được sử dụng khi nguồn cung cấp cho chiếu sáng thông thường bị sự cố; chiếu sáng khẩn cấp bao gồm chiếu sáng thoát hiểm khẩn cấp, chiếu sáng trong khu vực làm việc rủi ro cao và chiếu sáng dự phòng.
1.26.
Chiếu sáng thoát hiểm khẩn cấp (Emergency Escape Lighting)
Một phần của hệ thống chiếu sáng khẩn cấp cung cấp chiều rọi (hướng chiếu sáng) để an toàn cho người rời khỏi khu vực hoặc cố gắng giải quyết tình huống nguy hiểm trước khi sơ tán khỏi khu vực đó.
1.27.
Mũ bảo vệ cho người chữa cháy (Helmets)
Thiết bị dùng để bảo vệ phần đầu và cổ của người chữa cháy.
1.30.
Ủng chữa cháy (Firefighting Footwear)
Thiết bị dùng để bảo vệ chân của người chữa cháy.
1.31.
Quần áo chữa cháy (Fire fighting clothing)
Quần áo chữa cháy là trang phục bảo vệ phần thân trên, thân dưới, cổ, cánh tay và chân, nhưng không bảo vệ đầu, bàn tay và bàn chân của người chữa cháy.
1.32.
Lô (Batch)
Là tập hợp một loại sản phẩm, hàng hóa có cùng thông số kỹ thuật và được sản xuất cùng một đợt trên cùng một dây chuyền công nghệ.
TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ AN TOÀN MÔI TRƯỜNG
Số 05B Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
0938 040 020 (Ms.Chi) – 0903 010 140 (Ms.Trâm)
khanhchi@ungphosuco.vn – ngoctram@ungphosuco.vn
Bình luận