BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CỨU NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an)
Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện hằng ngày
1. Kiểm tra phương tiện
a) Kiểm tra thiết bị dò tìm nạn nhân:
– Dung lượng pin của thiết bị (luôn được sạc đầy);
– Khả năng làm việc của camera, màn hình điều khiển thiết bị, micro và tai nghe.
b) Kiểm tra thiết bị phục vụ cứu hộ dưới nước:
– Bộ đồ lặn, bảo đảm tất cả các bộ phận của thiết bị hỗ trợ thở phải kín trong quá trình sử dụng; ống, dây cao su không có vết nứt, thủng; các thiết bị đi kèm đủ cơ số và hoạt động bình thường;
– Dung lượng pin hoặc bình ắc quy (luôn được sạc đầy) của các thiết bị sử dụng điện như đèn pin dưới nước, thiết bị đẩy thợ lặn, thiết bị liên lạc dưới nước,…;
– Khả năng làm việc của động cơ điện trong thiết bị đẩy thợ lặn, bảo đảm động cơ hoạt động êm ái, các zoăng cao su làm kín còn nguyên vẹn;
– Tình trạng kỹ thuật của các loại áo phao, bảo đảm lớp vải bọc bên ngoài không bị mục, nát, rách, các khóa trên áo hoạt động tốt;
– Thiết bị súng phóng dây cứu nạn, cứu hộ; súng phóng phao cứu nạn, cứu hộ dưới nước, bảo đảm đủ áp suất khí trong bình chứa khí nén, các bộ phận của súng hoạt động bình thường, không có hiện tượng hư hỏng hoặc rò rỉ khí.
c) Kiểm tra thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao, dây cứu người, đai cứu hộ:
– Đầu nối, các mối nối bằng chỉ may của đai và áo cứu hộ bảo đảm không bị đứt chỉ;
– Cuộn dây cứu hộ bảo đảm dây không bị sờn, bị đứt, nếu không bảo đảm an toàn phải loại bỏ.
2. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện
a) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị dò tìm người:
– Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị;
– Sạc đầy pin cho thiết bị;
– Để thiết bị dò tìm người ở nơi khô thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
– Định kỳ một tuần một lần triển khai vận hành kiểm tra thiết bị.
b) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ dưới nước:
– Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị;
– Sạc đầy pin cho thiết bị;
– Để thiết bị ở nơi khô thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
– Định kỳ một tuần một lần vận hành kiểm tra thiết bị.
c) Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao, dây cứu người, đai cứu hộ:
– Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ thiết bị; đối với các thiết bị ròng rọc, puly, khớp nối phải định kỳ kiểm tra để tra bổ sung dầu mỡ bôi trơn;
– Sắp xếp thiết bị gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
– Định kỳ một tuần một lần vận hành kiểm tra thiết bị;
– Định kỳ 06 tháng một lần phải kiểm tra thử tải ở mức tải lớn nhất theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đối với áo cứu hộ, đai cứu hộ, dây cứu hộ, ròng rọc, móc khóa carabiner.
d) Bảo quản, bảo dưỡng đệm cứu người:
– Lau chùi sạch sẽ toàn bộ phương tiện;
– Sắp xếp đệm gọn gàng ở nơi sạch sẽ, khô, thoáng, không để thiết bị ở gần xăng, dầu, axit và các chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng;
– Không để đệm cứu người ở nơi có nhiệt độ cao hơn 40°C và nơi bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp;
– Định kỳ sau 2 năm kể từ ngày đưa đệm vào sử dụng phải kiểm tra chất lượng của đệm bằng cách thả vật hình trụ tròn có trọng lượng 80 kg với tiết diện bề mặt 0,2 m2 ở độ cao tối đa cho phép lên đệm; thực hiện thử lại ít nhất 03 lần.
đ) Bảo quản, bảo dưỡng các loại phương tiện cứu người thông dụng khác:
– Tránh để phương tiện tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời; nếu đề phương tiện ngoài trời phải che phủ phương tiện để tránh mưa, nắng;
– Không để phương tiện gần xăng, dầu, axit và các hóa chất ăn mòn hoặc để dầu mỡ bám vào phương tiện.